Rêu thủy sinh mini taiwan, mini fiss, Weeping,,.. bị vàng lá, đen lá, nâu lá: Nguyên nhân và cách chữa trị

Rêu thủy sinh là dòng cây phổ biến, phù hợp cho cả những người mới nuôi bởi chúng sống khỏe, không cần nhiều dinh dưỡng cũng như là CO2. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có vấn đề xảy ra, một trong số đó là rêu chuyển vàng, nâu hoặc là đen. 

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Phổ biến nhất trong số đó là do nhiệt độ của bể quá cao, cây bị thiếu dưỡng hoặc là bị dính rêu hại.  Ngoài ra, một số nguyên nhân phụ khác đôi khi có thể xảy ra là bể bị chiếu sáng quá mạnh hoặc bị thiếu CO2. 

Nguyên nhân gây nâu, vàng lá rêu:

Rêu đang chuyển từ lá cạn sang lá nước

Một số loại rêu như là rêu java, rêu minifiss,… phần lớn được trồng trên cạn tại các trại ươm. Lý do là bởi khi được trồng trên cạn, chúng sẽ có nguồn CO2 dồi dào và phát triển nhanh hơn. 

Phần lớn các loài cây thủy sinh khác cũng được trồng tại trại ươm bằng cách này. Khi trồng trên cạn, rêu sẽ phát triển lá cạn khác so với lá nước. 

Lá cạn của cây khi được trồng vào trong bể thì sẽ rữa dần. Đó cũng có thể là lý do tại sao bạn thấy rêu chuyển vàng, nâu vài ngày sau khi mới trồng vào bể. Nếu điều kiện môi trường bể cá tốt thì rêu sẽ bắt đầu phát triển lá mới sớm sau đó. 

Nhiệt độ bể quá cao

Hầu hết các loại rêu đều thích nước mát. Nhiệt độ bể phù hợp nhất để nuôi rêu là vào khoảng 21-24 độ C. Đây cũng là lý do bạn sẽ ít thấy rêu bị vàng, nâu hoặc đen lá vào mùa đông hơn. Rêu có thể chịu được 28 độ C. Một số loại rêu sống khỏe như là rêu java có thể chịu được nhiệt độ tới 32 độ C. 

May mắn thay là đây là mức nhiệt độ bạn có thể duy trì được mà không cần đến chiller. Nếu nhiệt độ trong phòng quá nóng vào mùa hè thì bạn hãy đầu tư một bộ quạt thủy sinh và tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. 

Cây bị thiếu dưỡng

Rêu thủy sinh vẫn có rễ. Tuy nhiên, rễ của rêu là rễ giả, chỉ được sử dụng để bám rêu vào bề mặt đá hoặc lũa để cố định rêu. Cây sẽ hấp thụ dinh dưỡng chủ yếu qua lá. 

Rêu giống với các loại cây khác, vẫn cần dinh dưỡng để phát triển. Thông thường, lượng dưỡng từ phân cá thừa hoặc các loại chất thải hữu cơ khác trong bể có thể cung cấp vừa đủ cho rêu. Trong vài trường hợp khi bể quá sạch, có thể do bạn thay nước quá nhiều, cây sẽ bị thiếu dưỡng. 

Bể bị bùng phát rêu hại

Rêu hại có thể khiến cho bể thủy sinh gặp nhiều vấn đề. Một trong số đó là chúng có thể bám lên lá cây của các loài khác, che sáng của chúng và cạnh tranh lấy dinh dưỡng, CO2 của các loại cây thủy sinh trong bể. 

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến rêu hại, có thể kể đến là ánh sáng dư thừa, bể thiếu chăm sóc, dinh dưỡng dư thừa,… Rêu hại sẽ phát triển mạnh đặc biệt khi bạn để bể cá hứng ánh sáng mặt trời quá nhiều. 

Bể bị thiếu CO2

Dù không cần nhiều CO2 những mà rêu mini taiwan, mini fiss,… vẫn cần CO2 để quang hợp. Lượng CO2 thông thường có trong nước là đủ dùng cho cây để có thể sinh tồn và phát triển chậm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, CO2 trong bể có thể bị cạn. 

Lý do phổ biến là do CO2 đã bị các loài cây, rêu hại khác trong bể lấy hết. Có CO2 trong bể có thể giúp cây mọc khỏe. Thông thường, thêm CO2 có thể giúp bạn giải quyết gần như mọi vấn đề xảy ra đối với cây thủy sinh. 

Vấn đề về ánh sáng

Rêu có thể chuyển vàng, nâu khi bị thiếu hoặc thừa sáng. Rêu không yêu cầu quá cao về ánh sáng. Tuy nhiên, chúng vẫn cần ánh sáng để quang hợp. Hơn hết nữa ngoài tự nhiên, rêu sống tại những khu vực nhiều bóng râm. Vậy nên cây thích ánh sáng trung bình hơn. Nếu bạn để rêu quá gần mặt nước và chiếu sáng quá mạnh thì rêu có thể sẽ bị cháy. 

Lượng ánh sáng phù hợp cho rêu là vào khoảng 8-10 tiếng một ngày. Chiếu sáng quá nhiều ngoài làm rêu bị cháy sáng cũng có thể khiến cho bể bị bùng phát rêu hại. 

Rêu không được tỉa thường xuyên. 

Bạn cần phải cắt tỉa rêu nếu chúng mọc thành bụi quá dày. Khi mọc quá dày, lớp rêu bên ngoài có thể che hết sáng của lớp rêu phía trong. Khi đó, phần rêu ở giữa có thể dần chuyển vàng nâu và chết. 

Cách chữa trị 

1. Rêu vốn sống ở nơi ẩm thấp, nó thích mát và ánh sáng vừa, nhưng nó vẫn hoàn toàn sống và xanh đẹp ở nơi có ánh sáng cao, với điều kiện người chơi phải quản lý tốt nước và những yếu tốt khác.

2. Rêu vàng, đen, chết, chưa hẳn 100% là do ánh sáng quá cao, có thể là do ánh sáng này kết hợp với Fe hoặc kim loại nặng nào đó làm rêu ngộ độc. Ở ánh sáng thấp và vừa thì Fe dư 1 chút cũng không sao, nhưng ở ánh sáng cực cao thì lại là chuyện khác.

3. Những hồ có pH cao thì rêu ít bị ngộ độc hơn những hồ có nước mềm.

4. Rêu cực ghét kim loại nặng, trong đó có Fe. Không nên châm quá nhiều Fe nếu bạn trồng rêu và không rành dinh dưỡng.

5. Rêu không cần quá nhiều dinh dưỡng và carbon, nhưng nó rất thích Co2 và 1 lượng Nh3 trong nước. (Nh3 từ phân cá tép, thức ăn thừa, lá cây chết…)

6. Ánh sáng cao có thể gây hại cho rêu theo 3 cách:

– 1 số loài rêu không chịu nổi ánh sáng cao nên cháy lá

– Ánh sáng cao gây quang khử Fe, làm Fe dư thừa trở nên độc với rêu

– Ánh sáng cao làm Fe mạnh, gây bùng phát rêu hại và bám lên rêu thủy sinh.

7. Ngoài ra, nên giữ nước sạch để rêu được khỏe mạnh, ngoài Fe ra còn những chất hữu cơ khác cũng có tác dụng gây độc với rêu.

8. Nếu bạn muốn giải độc cho rêu 1 cách nhanh nhất, có thể nâng gH lên cao cỡ 6-12 độ, hoặc châm thêm nước đen, acid humic…

9. Những nền công nghiệp trồng tốt rêu là những nền có chỉ số hấp thụ dinh dưỡng dư thừa cao (CEC) như ADA, aquafor, Gex xanh, controsoil…. Những nền này hút Fe và kim loại nặng dư thừa vào trong nền và thải ra lúc cần thiết.

Theo aquasetup

Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Hãy để lại bình luận nếu bạn có suy nghĩ khác!x