Trùng mỏ neo ở cá cảnh – Nguyên nhân và cách chữa trị

Trùng mỏ neo là căn bệnh thường gặp ở cá cảnh và cá có thể gặp nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu bạn thấy cá của mình liên tục cọ người vào các vật trong bể hoặc bạn thấy những vết trắng trên người cá thì rất có thể cá của bạn đã bị nhiễm loại kí sinh này.

Trước khi thực hiện chữa trị cho cá thì bạn cần phải biết cách nhận dạng bệnh và biết cách chữa trị an toàn để tránh làm tình hình tệ hơn.

Trùng mỏ neo là một trong những loài kí sinh phổ biến nhất trên cá cảnh và chúng sống ở khu vực nhiệt đới trên khắp thế giới. Những loài cá dễ bị dính trùng mỏ neo nhất là các loài cá lớn như cá chép, cá Koi, cá vàng,.. Tuy nhiên các loài cá thủy sinh nhỏ hơn vẫn có khả năng bị dính bệnh.

Trùng mỏ neo là gì

Trùng mỏ neo là một loài giáp xác nhỏ thuộc chi Lernaea. Chúng có khả năng bám vào da cá và có ngoại hình khá giống sâu. Khi chúng bám vào cá thì chúng cắm đầu vào bên dưới da cá, chúng bám rất dai nhờ vào phần phụ trên đầu nhìn giống mỏ neo – giống như tên gọi của chúng vậy.

Loài kí sinh này sống trong nước, trước khi chúng trưởng thành thì chúng sẽ bơi tự do và không gây hại đến cá. Khi đến lúc sinh sản, con đực sẽ chết sau khi thụ tinh và con cái sẽ gắn mình lên trên da cá.

Trùng mỏ neo thường có màu xám hoặc trắng. Chúng có thân hình mảnh và thường dài khoảng 1cm. Phần đầu của chúng có hình dạng mỏ neo, bên dưới là thân và hai nhánh “râu” ở dưới thân chính là buồng trứng của chúng.

Dấu hiệu cho thấy cá bị nhiễm trùng mỏ neo

Trùng mỏ neo là loài kí sinh khá lớn vậy nên dấu hiệu  bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Khi đó bạn sẽ thấy những sợi trắng nhỏ dính trên người cá. Phía cuối chúng có thể có một hoặc hai buồng trứng, nếu bạn không chữa trị kịp thời thì chúng sẽ tiếp tục sinh sản trong bể hoặc ao cá. 

Khi trùng mỏ neo rơi ra khỏi cá thì các vết bám cũ của chúng trên người cá sẽ tạo thành các vết đỏ trầy, nếu để một thời gian có thể cá sẽ bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân cá bị dính trùng mỏ neo

Trùng mỏ neo có thể lây lan trong bể cá và thường được đưa vào bể thông qua các loài cá mới được mua. Trùng mỏ neo cũng có bám vào cây thủy sinh hoặc từ các nguồn nước chưa được xử lý khác. 

Đây là lý do trước khi đưa các loài cá hoặc cây thủy sinh từ nơi khác vào bể của bạn thì bạn cần thực hiện bước khử trùng và cách ly chúng một thời gian. 

Trùng mỏ neo sống và sinh sản tốt hơn khi nhiệt độ nước ấm, vậy nên cá của bạn dễ bị dính loài kí sinh này hơn vào mùa hè.

Người có bị nhiễm trùng mỏ neo được không?

Bạn không cần phải lo lắng bởi trùng mỏ neo không thể dính lên người được. Lý do thứ nhất là vì trùng mỏ neo chỉ có thể sinh sống được trong nước và không thể sống cũng như sinh sản ngoài không khí. 

Thứ hai là trùng mỏ neo được tiến hóa để chỉ có thể bám được lên da cá vậy nên chúng cũng không bám được lên các loài vật sống trên cạn như là chim hoặc các loại thú. 

Cách chữa trị trùng mỏ neo trên cá

Bạn có lẽ sẽ gặp khó khăn khi chữa trị chúng bằng thuốc. Mặt khác, bạn có thể dễ dàng kéo chúng ra khỏi người cá nếu bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường và cá không bị dính nhiều trùng mỏ neo.

Loại bỏ theo cách vật lý

Nếu bạn chỉ thấy một vài trùng mỏ neo trên người cá và cá đủ lớn để bạn có thể giữ như cá vàng hoặc các loại cá lớn hơn thì bạn có thể loại bỏ trực tiếp trùng mỏ neo bằng tay. Đầu tiên bạn cần nhẹ nhàng bắt cá ra ngoài. Sau đó bạn làm ướt tay và giữ cá nhẹ nhàng sau đó dùng nhíp, gắp trùng ở phần gần đầu (phần găm vào người cá) và nhẹ nhàng kéo thẳng ra cho đến khi trùng được kéo hoàn toàn ra khỏi người cá. 

Nếu trên người cá bị dính nhiều thì bạn hãy thả lại cá vào bể riêng một lúc rồi tiếp tục đưa ra cá ra ngoài để nhổ tiếp.

Bạn cần kiểm tra kĩ xung quanh người cá để đảm bảo không còn sót lại trùng mỏ neo nào bởi chúng có thể trong suốt, khó nhìn và có thể dính ở bất cứ đâu, kể cả ở trên vây cá. Sau khi đưa cá vào bể thì hãy chữa trị cho cá bằng API stress coat, loại thuốc này giúp cá nhanh chóng hồi phục lại da và lớp màng bảo vệ xung quanh khu vực bị tổn thương.

Nếu bạn có các loại cá bé hơn như cá betta thì bạn nên chữa trị bằng thuốc thay vì trực tiếp nhổ trùng ra ngoài.

Chữa trị bằng thuốc

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc chuyên dụng để xử lý ký sinh trùng cho cá như là bio knock 4 hoặc API – General Cure,… để diệt trùng mỏ neo bơi trong nước tuy nhiên có thể sẽ không trị được trùng trưởng thành gắn trên người cá.

Trong các loại thuốc trị trùng mỏ neo thì thuốc tím (KMNO4) đã được chứng minh là hiệu quả nhất. Thuốc tím là loại hợp chất có tính oxy hóa mạnh và được sử dụng nhiều để diệt khuẩn hồ cá, tuy nhiên bạn cần cẩn thận khi sử dụng nó bởi thuốc tím cũng có thể làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước.

Nếu bạn định chữa trị cho cá bằng thuốc thì tốt nhất là bạn nên chuẩn bị một bể riêng để tránh việc tác dụng phụ của thuốc làm ảnh hưởng đến bể cá chính.

Bạn có thể chữa trị trùng mỏ neo bằng cách tắm cá với nước có pha thuốc tím. Với mỗi 8 lít nước thì bạn pha 0.6g thuốc tím, khuấy đều cho đến khi thuốc tan hoàn toàn. Sau đó bạn nhẹ nhàng thả cá vào trong bể và ngâm cá trong vòng 5 phút. Nếu thấy cá bị stress thì bạn nên vớt cá ra ngay. Sau khi ngâm cá trong nước pha thuốc tím thì bạn hãy ngâm lại cá vào nước sạch vài giây trước khi thả lại bể. 

Loại bỏ trùng mỏ neo trong nước

Một khi bạn đã gắp trùng mỏ neo khỏi cá hoặc chữa trị cho cá bằng thuốc rồi thì vẫn có khả năng cá bị dính lại bởi trùng mỏ neo vẫn có thể còn trong bể. Việc đầu tiên bạn cần làm là đảm bảo nước bể sạch và có hệ thống lọc tốt để giúp cá bình phục nhanh hơn. Tiếp theo là bạn hãy sử dụng thuốc trị ký sinh trùng và sử dụng đúng theo liều lượng hướng dẫn để xử lý trùng mỏ neo hoặc trứng ở trong nước. Thay nước bể cá đều đặn 10-15% một tuần cũng là cách giúp loại bỏ trùng mỏ neo và giữ cho nước bể luôn trong tình trạng tốt nhất.

Theo aquasetup

Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Hãy để lại bình luận nếu bạn có suy nghĩ khác!x