Cá Cảnh Bị Xù Vảy – Nguyên Nhân và cách điều trị

Bệnh xù vảy trong tiếng anh có tên là Dropsy, đây là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở cá cảnh. Khi cá bị xù vảy, thân hình chúng sẽ bắt đầu nhìn giống như những quả thông – bụng phình to cộng với vảy bị chĩa ra ngoài. Bệnh xù vảy thực chất không phải là một căn bệnh với nguyên nhân cụ thể. Cá có thể bị xù vảy do nhiều yếu tố khác nhau.

Khi cá bị xù vảy tức là mang hoặc thận của chúng đang có gì đó không ổn, có thể là do bị nhiễm trùng, virus, do chế độ ăn kém chất lượng hoặc thậm chí là nước bẩn. 

Cá thường sẽ chết sau khi bị xù vảy do không được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh rõ ràng. Trước khi bạn đổ tất cả các loại thuốc có thể mua được cho cá, thì bạn cần biết được nguyên nhân gây bệnh xù vảy cho cá để có thể điều trị cho chúng một cách chính xác nhất.

Bệnh xù vảy là gì?

Dù được gọi là “bệnh xù vảy” nhưng thực chất nó chỉ là một triệu chứng, xuất hiện khi nước ở trong các khoang trong người cá bị quá nhiều, khiến cho bụng cá bị phồng và vảy chĩa ra ngoài. Mọi loài cá nước ngọt đều có thể bị xù vảy, bao gồm cá koi, cá vàng, betta, cá bảy màu, sọc ngựa, neon,..

Khi cá bị xù vảy tức là thận hoặc mang của chúng đang không hoạt động tốt, có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Khi sống trong nước, nước luôn thâm nhập vào người cá qua khuếch tán thụ động trên mang và da cá. Thận và mang của cá phải hoạt động liên tục để có thể đẩy được nước ra ngoài môi trường cùng các loại chất thải khác. 

Một khi một trong hai bộ phận này không hoạt động tốt thì nước sẽ không được đẩy ra ngoài và khiến cho nước bị kẹt lại ở các khoang trong người cá. Nếu để lâu thì sẽ khiến nội tạng của cá ngừng hoạt động, để chữa trị lúc này thì có lẽ là đã quá muộn. Phát hiện và điều trị sớm là bí quyết để chữa trị cho cá bị xù vảy thành công. 

Ngoài bị phình bụng với vảy chĩa ra ngoài thì bệnh xù vảy còn có một số triệu chứng khác như mắt cá bị lồi, vây bị tái, hậu môn sưng, da hoặc vây cá bị đỏ. 

Nguyên nhân gây bệnh xù vảy

Thận hoặc mang cá hoạt động kém có thể do một trong số những nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng (thường là do vi khuẩn Aeromonas có sẵn trong nước)
  • Nhiễm nấm
  • Nhiễm ký sinh
  • Cá bị bệnh gan

Các nguyên nhân gây ra bệnh xù vảy như vi khuẩn, nấm và virus luôn có mặt trong nước. Cá khỏe mạnh sẽ có hệ miễn dịch hoạt động tốt và sẽ khó bị mắc các bệnh này. Nếu cá thường xuyên bị stress thì hệ miễn dịch của cá sẽ bị suy giảm và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Cá có thể bị stress do nhiều nguyên nhân như nước bẩn, bị cá khác cắn, bị sốc nước, thông số nước không đúng,… 

Cách chữa trị cho cá bị bệnh xù vảy

Xù vảy không dễ chữa trị, cách điều trị thích hợp nhất là cung cấp cho cá môi trường sống tốt nhất cộng với cho cá ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hệ miễn dịch của cá có thể tự giải quyết được căn bệnh. Dưới là các cách bạn có thể thực hiện để chữa bệnh xù vảy cho cá:

Chuyển cá ra bể riêng – Việc đầu tiên khi bạn không chắc về nguyên nhân gây bệnh cho cá thì bạn cần chuyển cá ra một bể riêng để chữa bệnh. Nguyên nhân là bởi tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh xù vảy có thể lây sang cá khác. Bể riêng cần đủ lớn để cá có thể thoải mái bơi lội, tránh việc cá bị stress và làm bệnh tệ hơn.

Cung cấp cho cá nước sạch – Nước bể cá bị bẩn là một trong những nguyên nhân gián tiếp chính gây bệnh cho cá. Nếu bể cá của bạn lâu ngày không được thay nước, vệ sinh bộ lọc hoặc có bộ lọc không đủ lớn thì chất lượng nước sẽ không được đảm bảo và cá sẽ thường xuyên bị bệnh. Khi thay nước thì bạn cần tránh việc thay quá nhiều nước một lần, không bao giờ được thay 50% nước của bể một lần. Nếu bạn nuôi cá ra bể riêng thì bạn cần phải sử dụng ít nhất là 60% nước từ bể cũ và 40% nước sạch được khử clo nếu cảm thấy chất lượng nước không được tốt. 

Thêm muối vào bể chữa bệnh – Bạn có thể thêm muối vào nước để giúp cho cá cảm thấy thoải mái hơn. Lý do là bởi nếu độ mặn của nước cao hơn thì nước sẽ cân bằng lại so với độ mặn trong máu của cá và giúp cho cá đưa nước ra ngoài dễ hơn. Bạn chỉ nên pha khoảng 10g muối cho mỗi 10 lít nước và tránh cho muối trực tiếp vào bể chính. 

Cho cá ăn các loại thức ăn tươi và khô chất lượng tốt – Bằng cách cho cá ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng và đa dạng như artemia, trùn chỉ, bo bo và các loại thức ăn khô chất lượng thì bạn có thể giúp cung cấp cho cá đủ dinh dưỡng cần thiết giúp hệ miễn dịch của cá nhanh hồi phục. 

Sử dụng kháng sinh – Trong trường hợp cá bị bệnh do vi khuẩn thì bạn có thể sử dụng kháng sinh cho cá để điều trị. Nếu phải sử dụng kháng sinh thì trước tiên bạn hãy tham khảo ý kiến từ các cửa hàng cá cảnh uy tín. Để điều trị bệnh xù vảy thì bạn hãy sử dụng các loại kháng sinh cho vi khuẩn gram âm hoặc kháng sinh phổ rộng cho cá và làm theo đúng liều lượng cũng như thời gian theo hướng dẫn. 

Cách để phòng tránh bệnh xù vảy ở cá

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh xù vảy ở cá là giữ cho môi trường nước trong bể luôn sạch, nuôi đúng loại cá và đúng số lượng cá. 

Chất lượng nước

Nước bẩn và ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu có thể gây stress ở cá và làm hệ miễn dịch của chúng bị suy giảm. Vậy nên bạn cần vệ sinh thay nước cho bể ít nhất là 10% lượng nước hàng tuần. Mỗi hai tuần một lần, nếu có thể hãy sử dụng các loại ống hút cặn để hút phân cá, thức ăn thừa đóng cặn ở bên dưới đáy bể. 

Hơn hết nữa là hãy sử dụng bộ lọc cùng với vật liệu lọc phù hợp với dòng chảy tốt để có thể có được hệ vi sinh ổn định trong bể.

Giữ cho môi trường ổn định

Bể cá phải ổn định ở cả chất lượng nước và nhiệt độ. Bạn cần tránh thay quá nhiều nước trong bể một lần và làm nhiệt độ nước trong bể thay đổi quá nhanh. Một khi bể đã được cycle đầy đủ và ổn định thì cá sẽ không bao giờ bị bệnh và luôn mạnh khỏe. 

Tránh nuôi quá nhiều cá

Nếu bạn nuôi quá nhiều cá trong bể và một số loài trong đó quá hung hăng thì có thể khiến cho một số loại cá khác bị stress. 

Hơn hết nữa là nếu bể nuôi nhiều cá và bộ lọc không đủ khả năng để xử lý lượng chất thải thừa thì sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước trong bể.

Vậy bạn cần nuôi bao nhiêu cá trong bể? Xem bài viết này để biết thêm

Tránh cho cá ăn quá nhiều

Cho cá ăn quá nhiều có thể khiến cho thức ăn thừa tích tụ bên dưới đáy bể và làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Hơn hết nữa nếu bạn cho cá ăn quá nhiều thức ăn kém chất lượng thì có thể làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của cá và làm cho chúng bị thiếu chất. 

Bạn nên cho cá ăn chế độ ăn đa dạng, xen kẽ thức ăn khô và tươi sống và chỉ cho cá ăn lượng thức ăn vừa đủ để ăn hết trong vòng 5 phút. 

Mình thường dùng cám thái để cho các loại cá bé ăn, cá lớn dùng Tetra color và cho ăn 2 ngày 1 lần.

Bạn cũng có thể cho cá ăn xen kẽ đồ ăn giàu protein như là artemia sấy khô để giúp cá lớn nhanh và lên màu đẹp.

Bạn cũng nên bỏ đói cá một ngày mỗi tuần cũng không sao cả. Trong tự nhiên, cá hiếm khi có thể có thức ăn hàng ngày, có nhiều lúc cá có thể nhịn đói đến cả tuần.

Tổng kết

Bệnh xù vảy ở cá được gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do vi khuẩn Aeromonas gây ra và làm ảnh hưởng đến nội tạng của cá, khiến chúng không thể đào thải nước ra ngoài và dẫn đến bụng cá bị phồng. 

Cách tốt nhất để chữa trị cho cá là cung cấp cho chúng môi trường sống tốt cộng với chế độ ăn chất lượng để hệ miễn dịch của cá khỏe lại. Nếu bạn định sử dụng thuốc kháng sinh thì hãy sử dụng những loại cho vi khuẩn gram âm hoặc phổ rộng và sử dụng liều lượng đúng như theo hướng dẫn. 

Theo aquasetup.com

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Hãy để lại bình luận nếu bạn có suy nghĩ khác!x