Một bể cá đẹp với nhiều loại cây thủy sinh là đích đến của rất nhiều người chơi, tuy vậy trồng và chăm sóc cây có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Trong thời gian trồng cây thủy sinh, có lẽ một trong những vấn đề phổ biến nhất là lá bị vàng/đen hoặc thậm chí là cây bị chết.
Cây thủy sinh của bạn có khả năng chuyển sang màu đen do nồng độ phốt phát cao. Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm ánh sáng kém, không đủ chất dinh dưỡng và chất lượng nước kém. Việc giám sát và kiểm tra đều đặn có thể giúp ngăn ngừa cây chuyển sang màu đen.
Nguyên nhân cây thủy sinh bị đen lá
Như đã đề cập ở trên, có khá nhiều nguyên nhân có thể khiến cây thủy sinh của bạn chuyển sang màu đen. Mặc dù lý do chính xác khiến cây chuyển sang màu đen thường phụ thuộc vào bể, nhưng có một số vấn đề đặc biệt phổ biến đối với những người mới tập trồng cây thủy sinh.
Ánh sáng quá ít/ quá cao
Đối với đa số những người trồng cây thủy sinh thì ánh sáng thường là điều nên được chú ý đầu tiên. Đôi khi, bể được chiếu sáng quá ít, một số trường hợp khác thì bể lại được chiếu quá nhiều.
Cây thủy sinh có thể bị đen lá nếu được chiếu sáng quá ít. Mặt khác, nếu chiếu sáng nhiều thì rêu có thể mọc trên lá. Có thể loại rêu đó là rêu chùm đen và sẽ khiến cho bạn nhầm lẫn với việc lá cây bị chuyển đen.
Vậy câu hỏi đặt ra là lượng ánh sáng như thế nào là phù hợp?
Bạn nên cung cấp cho bể của mình tối đa là 8 giờ chiếu sáng mỗi ngày. Ngoài ra, bạn chỉ nên chiếu sáng ở mức gần đủ 8 tiếng và có thể giảm xuống đến 5 tiếng khi mới làm bể để ngăn rêu hại bùng phát.
Vấn đề về dinh dưỡng
Các loài thực vật (bao gồm cả thực vật thủy sinh) đều cần dinh dưỡng nhất định để phát triển. Mức độ dinh dưỡng trong nước không đầy đủ có thể là một vấn đề mà bạn cần quan tâm khi thiết kế bể cây thủy sinh. Một số chất chính bạn cần lưu tâm là nitơ, phốt pho và kali.
Cây của bạn có thể bị hiện tượng lá chuyển vàng nếu thiếu nitơ hoặc kali, còn nếu lá cây chuyển hẳn sang màu đen thì có thể do thừa lượng phốt pho trong nước. Bạn cũng có thể thấy biểu hiện khác là bể bị bùng phát rêu hại.
Phốt pho có thể được sản sinh từ thức ăn cho cá. Vậy nên việc bạn cho cá ăn quá nhiều có thể khiến thức ăn thừa bị tích tụ, sản sinh phốt pho ở trong bể. Cách để giải quyết vấn đề này là thực hiện thay nước đều đặn cho bể thường xuyên, tối ưu là 10-15% lượng nước bể một tuần.
Chất lượng nước
Đối với việc chăm sóc cá và các loại thủy sinh trong bể, chất lượng nước bao giờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng đối với sức sức khỏe của các loài trong bể. Chất lượng nước thường liên quan nhiều đến thành phần nước của bể, bao gồm mức độ pH, amoniac, v.v.
Thông thường, cây của bạn sẽ bắt đầu đổi màu và chết nếu có quá nhiều amoniac trong nước. Ngoài ra, nước trong bể cá phải có nồng độ pH càng gần trung tính càng tốt. Nếu độ pH quá cao hoặc quá thấp đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng.
Để có thể cải thiện chất lượng nước thì bạn phải thực hiện thay nước bể hàng tuần. Ngoài ra, sử dụng bộ lọc đủ tốt và đủ to, có vật liệu lọc đầy đủ cho bể cũng là cách để giúp nước bể cá luôn sạch.
Rêu
Rêu là một vấn đề khác có thể gây bệnh cho cây thủy sinh. Bể của bạn có thể bị một loại rêu phổ biến mọc trên thực vật là “Rêu chùm đen”. Loài rêu này có thể dễ khiến lá cây thủy sinh của bạn chuyển màu đen.
Cách phòng tránh cây bị đen lá
Dưới đây mình sẽ chia sẻ một số cách chung mà bạn có thể cải thiện chất lượng bể và phòng tránh tình trạng lá cây thủy sinh đổi màu.
Về ánh sáng
Như mình đã đề cập, điều quan trọng là phải cung cấp đủ ánh sáng cho cây trồng của bạn. Nếu không có đủ ánh sáng, lá cây sẽ bắt đầu trông tối đi hoặc rũ xuống, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần để ý hơn về chất lượng ánh sáng cho môi trường bể. Đối với ánh sáng, bạn nên đảm bảo rằng đèn không được bật quá 8-10 tiếng mỗi ngày và ngược lại, các loại cây trong bể đều được chiếu sáng đầy đủ, tránh hiện tượng cây thiếu sáng sẽ bị đen lá.
Chất dinh dưỡng và rêu
Khi cây bị đen lá do dinh dưỡng thì một là do phốt phát đang quá cao, hai là cây bị thiếu nitơ và kali. Nếu bể của bạn mới làm thì nhiều khả năng là bể đang bị nhiều phốt phát từ thức ăn thừa cho cá. Khi này bạn cần chăm thay nước lên, tốt nhất là 20% lượng nước bể mỗi tuần.
Nếu bể đã làm lâu thì có thể bể đã cạn dưỡng, lá cây sẽ chuyển dần sang vàng hoặc đen và rữa dần. Khi đó bạn cần phải bổ sung phân nước cho cây.
Thông thường thì chất dinh dưỡng và rêu thường có quan hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn như khi có quá nhiều ánh sáng, chất dinh dưỡng, v.v., bể sẽ bị rêu hại và chúng sẽ hút hết dinh dưỡng của cây.
Khi trường hợp này xảy ra thì bạn hãy thay nước thường xuyên, đồng thời giảm cường độ chiếu sáng để cắt nguồn thức ăn của rêu.
Nếu cây của bạn trông có vẻ thiếu chất dinh dưỡng, hãy bón thêm phân nước và đảm bảo cây luôn đủ chất nhưng cũng hạn chế việc cho quá nhiều, sẽ làm bể bị thừa dưỡng chất và sẽ sinh ra nhiều rêu hại cho cây thủy sinh.
Vấn đề này sẽ tương đối phức tạp và không có một công thức cụ thể. Tuy nhiên, nếu bể của bạn mới làm, bộ nền mới sẽ nhả rất nhiều dưỡng. Trong thời điểm này bạn hãy chiếu sáng ít nhất có thể. Trong quá trình chăm sóc thì bạn hãy tăng chỉnh ánh sáng và phân nước để có thể kiểm soát được rêu hại và tránh cây thủy sinh bị thiếu chất.
Xử lý cây bị đen lá
Khi cây bị đen lá thì lá đó sẽ bị chết, sau đó sẽ có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Do đó cây có thể làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong bể. Trong trường hợp bạn thấy cây trong bể sắp chết hoặc có sức khỏe yếu, tốt nhất là bạn nên cắt bỏ những lá bị đen hoặc nhổ cả cây đi.
Ngoài ra bạn cũng có thể nuôi thêm 1 số loại cá hoặc ốc ăn rêu hại như cá bút chì, cá otto, cá bống nô lệm ốc nerita, vv…
Nuôi nhiều cây thủy sinh có gây hại cho cá không?
Thông thường, cây thủy sinh sẽ không gây hại cho cá. Mặt khác cây thủy sinh còn có thể giúp lọc nước và xử lý được các chất gây hại trong bể. Đó là lý do những bể thủy sinh khỏe mạnh luôn là bể trồng nhiều cây và nuôi ít cá. Trồng nhiều cây thủy sinh trong bể cũng là cách để bạn đỡ phải thay nước thường xuyên.
Tổng kết
Các nguyên nhân phổ biến khiến lá bị đen bao gồm các vấn đề về lượng ánh sáng, chất lượng nước kém , cây không đủ chất dinh dưỡng hoặc đang thừa phốt phát. Để giải quyết vấn đề này thì bạn cần phải chiếu sáng đầy đủ cho cây, cung cấp cho cây nước sạch, được thay thường xuyên và bón thêm phân nước trong trường hợp bể đã làm lâu và bị cạn dưỡng.
Theo aquasetup